Một số làng nghề truyền thống huyện Thủy Nguyên
Làng ca trù Đông Môn, Thủy Nguyên
Theo các vị cao niên trong làng, ca
trù xuất hiện ở Đông Môn gần 200 năm nay. Vào thập niên 40-45 của thế kỷ trước,
trong làng xuất hiện nhiều giáo phường do những gia đình, dòng họ đứng ra thành
lập và lấy nghiệp hát làm nghề kiếm sống…
Người đưa ca trù về Đông Môn
Cùng với loại hình nghệ thuật hát
đúm, Thuỷ Nguyên được biết đến như một cái nôi của hát ca trù của vùng Duyên
hải bắc bộ. Vào thời điểm hưng thịnh, hát ca trù được coi là một nghề kiếm sống
cho hàng trăm người dân ở Đông Môn, xã Hoà Bình (Thuỷ Nguyên). Theo ông Trần Bá
Sự - nguyên Chủ nhiệm CLB ca trù Đông Môn - ca trù xuất hiện ở đây từ đầu thế
kỷ XIX. Và người đưa ca trù về Đông Môn là cụ kép đàn Tô Tiến Trọng - trùm
phường của một giáo phường Kinh Môn (Hải Dương) thuộc ty giáo phường Bắc Thạch
(Bắc Ninh). Được sự đồng ý của giáo phường Kinh Môn, ông trùm phường Tô Tiến
Trọng đã rước 2 bức tượng ông tổ nghề là Đinh Dự thanh xà đại vương và Mãn
đường hoa công chúa cùng bản sắc phong về phủ từ Đông Môn - là nơi đền thờ tổ
nghề của cả vùng Duyên hải bắc bộ. Ông là người dạy ca trù cho người thân trong
họ, các dòng họ tại địa phương và biến làng Đông Môn trở thành một ca quán của
cả một vùng duyên hải.
Vào những giai đoạn từ năm 40-45 của
thế kỷ trước, hát ca trù ở Đông Môn trở thành một nghề kiếm sống của nhiều dòng
họ lớn trong làng như: Tô, Phạm, Nguyễn… Những đứa trẻ lớn lên đã được ông, bà
truyền nghề trở thành “ca nương”, “kép đàn” cùng với đó những dòng họ, gia đình
đứng ra thành lập các giáo phường chuyên đi biểu diễn tại các tỉnh thành Hà
Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định… “Sau khi được ông Tô Tiến Trọng dạy cho
nghề hát ca trù, nhiều gia đình, dòng họ tự đứng ra thành lập các giáo phường
(bố đàn con hát, cháu đánh trống). Do diện tích đất canh tác bấy giờ ít, những
đứa trẻ trong làng lớn lên biết đọc, biết viết đều trở thành những “đào nương”,
“kép đàn”, “quan viên”. Nhiều dòng họ, gia đình mở các giáo phường đi hát kiếm
sống ở trong và ngoài thành phố” - một vị cao niên trong làng nhớ lại.
Ca trù Đông Môn hồi sinh
Do chiến tranh loạn lạc, năm 1950,
ca trù Đông Môn bị dần mai một. Với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị
truyền thống của dân tộc, năm 1993 chính quyền địa phương đã đứng ra thành lập
CLB ca trù Đông Môn với sự đóng góp của nghệ nhân hát ca trù Tô Thị Chè (dạy
hát), ông Tô Văn Nghị (kép đàn) và rất nhiều người đam mê ca trù cùng tham gia.
Ông Trần Bá Sự nhớ lại: “Nhận thấy môn nghệ thuật truyền thống của ông cha ngày
càng bị mai một, làng đã xin chính quyền xã thành lập CLB lưu giữ và truyền lại
nghề cho các lớp con cháu trong làng. Những ngày đầu thành lập, do thiếu người
chúng tôi đã vận động toàn bộ đội tế nữ, tế nam của đình vào hoạt động. Nhạc cụ
trang bị cho CLB những ngày đầu là hiếc đàn đáy mua của ông Nguyễn Văn Hãn ở
Hải Phòng về sửa lại, trống và phách do thành viên trong CLB đóng góp tiền
trang bị cho việc dạy học và sinh hoạt của CLB…”.
Sau gần 20 năm hồi sinh và phát
triển, nhờ được sự dạy bảo của các nghệ nhân tâm huyết với ca trù, đến nay CLB
ca trù Đông Môn đã dần tìm lại vị thế của mình. Đó là, ca trù Đông Môn đã được
diễn tại Nhà văn hoá trung tâm (nay là Trung tâm văn hoá thành phố) và tại đình
Văn Môn; ca trù đã được đưa vào trường học, tham gia các liên hoan ca múa nhạc
ở trong và ngoài thành phố; và công trình nghiên cứu tìm hiểu “ca trù Hải
Phòng” của Hội văn học dân gian Hải Phòng. Nhiều “ca nương”, “đàn kép” của Đông
Môn đi thi đều được giải cao như: chị Tô Thị Ninh, nhiều “kép đàn” hay như anh
Hoàng Minh Khánh, Tô Văn Tuyên.
Bà Tô Thị Chè được nhà nước phong
tặng nghệ nhân hát ca trù. Bên cạnh đó, những lớp thế hệ con cháu Đông Môn được
học hỏi để gìn giữ những giá trị văn hoá của quê hương. Và đây cũng là niềm tự
hào của người dân Đông Môn, một địa phương duy nhất của Hải Phòng có nhiều em học
sinh biết hát ca trù, đánh phách như em Phạm Thị Liên đã đoạt huy chương vàng
ca múa nhạc dân tộc Hải Phòng năm 1996. Nhiều em trong làng được tuyển chọn
tham gia vào lớp đào tạo ca trù do ngành văn hoá tổ chức.
Làng nghề hương thơm Kiền Bái, Thủy Nguyên
Những ngày này dọc các con đường ở
xã Kiền Bái (Thủy Nguyên) đầy những nong phơi tưm tre đỏ rực xòe như đóa hoa
trăm nghìn cánh. Khắp trong nhà, ngoài ngõ, đâu cũng thấy màu vàng của bột
hương, màu đỏ của chân hương…
Nằm ngay trên trục đường chính của xã,
cơ sở sản xuất hương thơm Thanh Lâm với gần chục công nhân đang tất bật làm
việc. Người thì se hương, phơi hương, đóng gói… Thoăn thoắt se hương cùng các
nhân công, bà Nguyễn Thị Lâm, chủ cơ sở chia sẻ: “Người làm hương bận rộn quanh
năm. Nhưng càng gần Tết việc lại càng nhiều. Bởi lẽ trong thời gian này, thị
trường cần một lượng lớn hương để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán”.
Ông Phạm Khắc Ngọc, trưởng thôn 6
cho biết: Dù không phải nghề truyền thống nhưng nghề làm hương ở Kiền Bái đã có
hơn 20 năm nay. “Lúc đầu chỉ một số người trong làng làm hương nhưng dần dần nó
đã trở thành nghề chính của rất nhiều hộ. Đến nay xã đã có khoảng 60 hộ sản
xuất hương quanh năm” – ông Ngọc nói.
Sản xuất hương thơm ở Kiền Bái có
nhiều loại nhưng loại phổ biến nhất có lẽ là hương se. Theo bà Lâm, cách làm
hương se không khó: chỉ cần trộn bột hương được xay nhuyễn từ nhiều loại
hương liệu, gồm các thứ như: bột hương bài, quế, thuốc bắc với nước keo… Sau
đó, lấy chân hương quấn bột, se lại với bột khô rồi đem phơi. Thứ tạo nên mùi
thơm đặc trưng là hương liệu. Tuy nhiên, mỗi người lại có bí quyết pha trộn
hương lieu riêng, không thể tiết lộ với người ngoài. Phối trộn nguyên liệu xong
thì đến khâu se hương. Khâu này yêu cầu người làm phải thực hiện động tác
nhanh, gọn mới làm ra được những nén hương có độ đồng đều về kích cỡ, lượng
nguyên liệu sử dụng, thân hương nhẵn, khô, độ dính kết cao.
Cách làm đơn giản là vậy nhưng để
nén hương thắp lên, có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người
làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Đầu tiên là chân hương. Đó phải
được làm bằng loại tre, nứa ngâm được trẻ nhỏ, đều tăm tắp, có vậy mới dễ cháy.
Tiếp đến là bột hương được nghiền từ cây hương bài. Hầu hết các hộ sản xuất
hương ở Kiền Bái đều phải đến tận các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc
Giang… thu mua rồi đem về phơi khô, nghiền nhỏ. Ngoài ra, mỗi que hương thường
có thêm thành phần nhất định từ nhiều loại dược liệu khác nhau như đại hoàng,
mộc hương,cam thảo, đinh hương… Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau
theo tỉ lệ nhất định.
Có thể nói, hương được tiêu thụ
quanh năm, vả lại thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do vậy, mấy năm nay nhiều hộ ở
Kiền Bái có thu nhập khá, thậm trí không ít gia đình trong làng giàu lên từ làm
hương. Thế nên, chuyện xây nhà cao tầng, mu axe ô tô từ làm hương của nhiều gia
đình ở Kiền Bái không còn là chuyện hiếm. Gần đây, một số hộ sản xuất hương
trong làng đã mạnh dạn đầu tư đến khâu đóng gói, in nhãn mác để tạo thương
hiệu. Anh Bùi Hoàng Thăng, chủ cơ sở hương thơm Hồng Ngọc ở thôn 6 vui mừng cho
biết: Mỗi vụ, gia đình anh làm khoảng 4 tấn hương, tạo công ăn việc làm cho hơn
15 lao động theo thời vụ thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Hàng làm ra được cơ sở của anh xuất đi Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, vào
TP. Hồ Chí Minh, thậm chí ra cả nước ngoài.
Làng đúc Mỹ Đồng, Thủy Nguyên
Với công trình xây dựng mới tuyến
vỉa hè đường 352, trung tâm xã Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) sáng đẹp hẳn lên, ai đi
qua cũng có cảm giác đây là phố nghề. Những dãy nhà khang trang, trụ sở
các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, nhà xưởng quy mô lớn dọc theo trục
đường 352...Không chỉ nổi tiếng khắp cả nước với nghề đúc truyền thống, Mỹ
Đồng còn là điểm sáng của huyện Thủy Nguyên trong xây dựng nông thôn mới theo
hướng CNH, HĐH.
Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ
tịch UBND xã Mỹ Đồng Nguyễn Văn Huy, 10 tháng năm 2010, giá trị ngành
tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ toàn xã đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng 50%
so với cùng kỳ năm 2009. Một con số không nhỏ so với một địa phương
cấp xã. Mỹ Đồng tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, chỉ
đạo thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc, tiếp dân, giải quyết
nhanh chóng các thủ tục liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh
của các doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa”, ISO-9001-2000 và Đề án 30
của Chính phủ.
Phố nghề Mỹ Đồng luôn đỏ lửa
tạo sức sống mới cho cả một vùng quê phía Tây Bắc Thủy Nguyên. Từ một
địa phương nghèo, kinh tế kém phát triển, những năm gần đây, Mỹ Đồng từng bước
vươn lên, trở thành lá cờ đầu của huyện Thủy Nguyên trong phát triển kinh tế,
xây dựng làng nghề truyền thống. Người dân Mỹ Đồng hôm nay kế thừa, sáng tạo,
đưa nghề đúc kim loại thành ngành kinh tế chính của địa phương. Mức tăng trưởng
kinh tế bình quân của xã đạt khá cao trong khối xã, thị trấn của Thủy Nguyên
(15-20%/năm), trong đó thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 95%.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả xã có khoảng 10 hộ dân đúc
gang, đồng, nhôm, quy mô nhà xưởng nhỏ bé, nay, toàn xã có gần 100 hộ đúc gang,
15 hộ đúc đồng, hàng chục xưởng cơ khí, rèn, dịch vụ đi kèm.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đồng
Nguyễn Văn Huy cho biết: Xã phát triển làng nghề theo hướng đa dạng, nhưng
lấy nghề đúc, cơ khí làm chủ đạo. Với sự chỉ đạo kịp thời của xã, sự
năng động của người dân làng nghề mà sản phẩm của Mỹ Đồng có mặt tại các
thị trường trong nước, nước ngoài. Các sản phẩm trang trí hoa văn, bếp nướng,
nắp ga, cột đèn bằng gang đúc được chủ công trình xây dựng ưa dùng, xuất khẩu sang
các nước… Nhiều mặt hàng đúc, cơ khí đạt chất lượng cao cung cấp cho ngành đóng
tàu, lắp ráp xe máy, cơ khí chính xác như chân vịt tàu thủy, bạc biên, tăng
bua, vỏ mô-tơ điện, máy bơm, chân máy khâu, khung xe máy. Những năm gần đây,
sản lượng ngành đúc đạt hơn 20 nghìn tấn/ năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 500
tỷ đồng, thu hút gần 3000 lao động địa phương và các nơi. Thu nhập của người
lao động 2,5-3 triệu đồng/ người/ tháng.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho
lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến mạnh mẽ. Hầu hết số người trong độ tuổi
lao động, nhất là thanh niên có việc làm ổn định, xã không có tệ nạn trộm cắp,
tình hình an ninh trật tự giữ vững. Nhờ vậy, khách hàng từ các nơi đến Mỹ
Đồng đều yên tâm. Đời sống văn hóa tinh thần người dân đổi mới từng ngày. Hệ
thống loa truyền thanh vừa tiếp âm Đài tiếng nói Việt Nam, vừa thường xuyên
tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố, huyÖn đến
từng nhà dân, nhất là tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp. Sự nghiệp
giáo dục của xã phát triển cả quy mô lẫn chất lượng. Từ năm 2001, xã hoàn thành
phổ cập bậc tiểu học và THCS, hiện đã hoàn thành phổ cập bậc phổ thông trung
học và nghề. Đây là cơ sở quan trọng để xã phát động phong trào thi đua xây
dựng làng văn hóa với 100% số gia đình tham gia xây dựng quỹ làng, thực hiện
tốt hương ước làng văn hóa. Cả 2 thôn Đồng Lý, Phương Mỹ đều đạt chuẩn “Làng
văn hóa cấp huyện”. Các hộ dân thi đua thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với 100% số gia đình đạt chuẩn
văn hóa được biểu dương. Các hộ dân Mỹ Đồng giàu lên từ lao động chính
đáng, luôn phát huy tốt truyền thống tình làng nghĩa xóm. Khu phố Mỹ Đồng
với những tòa nhà cao 4-5 tầng, bề thế có nhiều nhà tình nghĩa được xây dựng
giúp đỡ gia đình chính sách nghèo.
Với những thành tích xuất sắc trong
phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nhiều năm qua, Mỹ Đồng được UBND
thành phố tặng bằng khen, cờ thi đua, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Đảng bộ
xã được công nhận “trong sạch vững mạnh”, được Thành ủy tặng cờ thi đua xuất
sắc 5 năm liền. Phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng nhì mà Nhà nước
tặng thưởng Mỹ Đồng là niềm khích lệ toàn xã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
theo hướng CNH,HĐH.
Làng cau Cao
Nhân
Tự hào thay huyện Thuỷ Nguyên có Cao
Nhân, nơi ngàn vườn cau hội tụ thành rừng, ngun ngút xanh phủ từ đường thôn đến
ngõ xóm, từ mép ruộng tới bờ hiên. Xã Cao Nhân có 1200 hộ dân thì tất cả ngần
ấy hộ đều trồng cau, nhà ít hàng trăm, nhà nhiều ngót vạn, san sát xoè tán lá
hứng trọn tinh hoa của đất kết thành những buồng cau căng mọng, đem cái
hồn Cao Nhân chăm chút cho tình duyên biết bao đôi lứa.
Người dân ở đây cho biết: trồng cau
cũng chẳng mấy vất vả, cứ chọn giống ươm cây, rồi những đêm trăng vằng vặc kéo
võng ra mắc lên cau mẹ để ngắm cau con trưởng thành. Cau bói đơm hoa, hương
ngan ngát lan toả khắp các vùng lân cận, nếu thuận gió thuận mưa, cau không bị
bung thì người Cao Nhân lại có thêm của ăn của để.
Trời thu về man mác, buông xuống
từng làn gió dìu dịu, cau Cao Nhân như bà mối son tay, se kết tơ vương cho trai
tài gái sắc. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, lá trầu quả cau là lựa chọn trước
tiên cho phép tắc các nghi lễ cổ truyền ở Việt Nam, bởi vậy, vào mùa cưới cau Cao
Nhân lại theo thương lái, đến khắp mọi vùng.
Dẫu ngày nay thế hệ những người
nhuộm răng đen ăn trầu chẳng còn nhiều, nhưng trái cau vẫn giữ một vị trí trong
đời sống tinh thần người dân Việt. Bởi thế Cao Nhân không chỉ như một vùng sinh
thái mà còn là nơi bảo tồn một giá trị văn hoá mang đậm bản sắc Việt Nam.
Sưu tầm