Nói chuyện chuyên đề “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người”
Nói chuyện chuyên đề
“50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người”
Sáng 21/8, được sự đồng ý của Đảng ủy cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng, Đoàn Thanh niên Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Chi bộ Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố tổ chức chương trình nói chuyện và trưng bày sách, báo chuyên đề “50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người” tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố - Số 213A Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Tham dự buổi nói chuyện có các đồng chí: Trần Thị Hoàng Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Vương Toàn Thu Thủy, Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng; Nguyễn Lan Hương, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan thành phố cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, Đoàn Thanh niên Sở Văn hóa và Thể thao; các đồng chí đại diện lãnh đạo phòng PA03 Công an thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo bạn đọc thư viện. Đặc biệt có sự tham gia của thạc sĩ Nguyễn Vương Long, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tô Hiệu, Hải Phòng - diễn giả của chương trình nói chuyện chuyên đề.

Quang cảnh chương trình nói chuyện
Trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nói về Đảng, Người đã dành tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc đối với thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, người kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước. Người viết “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người nhấn mạnh “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Càng nghiên cứu Di chúc của Bác, càng thấm thía và hiểu rõ từng lời, từng chữ Bác đã dụng tâm viết để lại cho thế hệ thanh niên, trong đó gửi gắm nhiều niềm tin và kỳ vọng.

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một hoạt động đã và đang được triển khai sâu rộng trên cả nước. Những lời dạy ân cần và tấm gương đạo đức phong cách của Người là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn, là định hướng quan trọng thôi thúc lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng học tập, rèn luyện. 50 năm qua, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam luôn phấn đấu không ngừng để xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của Đảng và Bác Hồ.

Sách, báo được trưng bày tại buổi nói chuyện
Tại chương trình nói chuyện chuyên đề, thạc sĩ Nguyễn Vương Long, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Tô Hiệu đã thông tin về ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kết quả nổi bật sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Nói về Bản Di chúc của Bác, thạc sĩ Nguyễn Vương Long cho rằng: Trong Bản Di chúc trước lúc đi xa Bác đã dặn dò không thiếu một điều gì. Mỗi ngày một giờ đồng hồ, Người chọn khung thời gian tốt nhất từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, để suy nghĩ, để chỉnh sửa bản Di chúc - tài liệu đặc biệt bí mật, bởi theo Người, đây là khoảng thời gian mà con người minh mẫn, tỉnh táo nhất trong ngày. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố một phần sau khi Người qua đời. Văn bản đầu tiên được viết trong 05 ngày, kết thúc vào ngày 15 tháng 5 năm 1965, dài 03 trang có cả chữ ký người chứng kiến - Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Năm 1968, Người viết tay bổ sung thêm 06 trang. Trong đó, Người viết lại đoạn mở đầu, đoạn nói về việc riêng đã viết trong bản 1965 và thêm một số đoạn. Ngày 10 tháng 5 năm 1969, Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu di chúc gồm một trang viết tay. Bản Di chúc chứa đựng những giá trị rất thiêng liêng và chính thức được xếp vào danh mục bảo vật quốc gia. Bản Di chúc cũng là động lực cho chúng ta trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thạc sĩ Nguyễn Vương Long cũng đã truyền tải tới cán bộ, đoàn viên trẻ những câu chuyện cảm động và chân thực về cuộc đời, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới. Những chia sẻ của diễn giả về những giây phút trước khi Bác đi xa thật sự xúc động, tạo cảm xúc mạnh mẽ đối với người nghe. Toát lên từ nội dung nói chuyện là một nhân cách lớn Hồ Chí Minh, hiện thân của đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân.

Đồng chí Vũ Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố
tặng quà kỷ niệm cho diễn giả Nguyễn Vương Long
Chương trình nói chuyện cũng đưa ra nhiều ý kiến về cách thức giáo dục đoàn viên, thanh niên. Theo diễn giả Nguyễn Vương Long nhận định thanh niên ngày nay cơ bản rất tốt, có lý tưởng, có kiến thức, có trí tuệ, có năng lực, tự hào về truyền thống dân tộc, là con cháu Bác Hồ và không ngừng phấn đấu. Nhưng cũng có một bộ phận thanh niên chịu ảnh hưởng nặng nề của những thông tin không chuẩn xác, thậm chí dao động, mất niềm tin, gây ra các hậu quả tiêu cực cho xã hội. Vì vậy, việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin của thanh niên trong thời đại mới với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội trở thành một thử thách lớn đối với gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân mỗi thanh niên hiện nay.
Nhìn lại 50 năm thực hiện lời căn dặn của Bác về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đời sau để thấy chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, của gia đình, nhà trường và xã hội. Trách nhiệm phải được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp và được tổ chức thực hiện đầy đủ, bài bản, thường xuyên và kiên trì ở mọi cấp, mọi ngành.
Qua chương trình nói chuyện chuyên đề, diễn giả Nguyễn Vương Long đã giúp cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, truyền lửa cho các cán bộ, đoàn viên trẻ có động cơ học tập rèn luyện vì mục tiêu lý tưởng cao đẹp và một giá trị sống đích thực, cùng nhau đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
- Minh Phương -